Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Bài viết về Triển lãm Nhóm E.A.T 1 " Sinh viên làm nghệ thuật' -"BƯỚC KHỞI ĐẦU ĐẦY HY VỌNG" Vũ Thị Hằng

BƯỚC KHỞI ĐẦU ĐẦY HY VỌNG

             LTS: Các hình thức mỹ thuật đương đại đã xuất hiện và song hành cùng đời sống nghệ thuật Việt Nam từ hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc giảng dạy mỹ thuật nói chung trong hệ thống đại học chuyên ngành ở nước ta vẫn dừng lại với những bộ môn truyền thống: hội họa, đồ họa và điêu khắc. Những chương trình mỹ thuật đương đại diễn trong các nhà trường, nếu có, thường là các chương trình hợp tác với nghệ sĩ, tổ chức ở bên ngoài hoặc nước ngoài. Lần đầu tiên, Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện một dự án thực hành và thảo luận về mỹ thuật đương đại do chính các giảng viên và sinh viên trong nhà trường chủ động đề xướng. Sự chủ động này thực sự mang nhiều ý nghĩa và đem lại hy vọng cho những thay đổi trong tương lai gần về mô hình đào tạo mỹ thuật ở ngôi trường đầu đàn này nói riêng, trong cả nước nói chung, tiệm cận hơn với đời sống sáng tạo mỹ thuật trong nước cũng như thế giới.

Đầu tháng 1-2012, Viet Art Centre (số 42 Yết Kiêu, Hà Nội) trở nên náo nhiệt và sôi động hơn hẳn bởi hoạt động của dự án Sinh viên làm nghệ thuật - E.A.T (Exercitation.Art.Term). Dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên trẻ Lê Trần Hậu Anh và Phạm Diệu Hương, 17 sinh viên khoa Hội họa và Lý luận - lịch sử mỹ thuật đã tổ chức chung một triển lãm. Có 13 tác phẩm tham gia gồm hai thể loại chính: sắp đặt và video art. Với cách tiếp cận khá mở, các tác giả sinh viên toàn quyền lựa chọn chủ đề và có không gian riêng của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên, một dự án thử nghiệm nghệ thuật mới được tổ chức thực hiện ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đó năm 2000, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, họa sĩ người Đức Veronika Radulovic, một số sinh viên nghệ thuật Việt Nam đã tham gia dự án thể nghiệm, lập một từ điển đơn giản về các trường phái, phong cách, kỹ thuật khác nhau của nghệ thuật thế giới TK XX. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Lâm, Đào Minh Trí, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Ngọc Dương,... nay đã trưởng thành và ít nhiều gặt hái được những thành công trong việc theo đuổi và thực hành nghệ thuật đương đại.

Lần này, không phải tham vọng gì quá lớn, dự án ra đời với mục đích bước đầu thử nghiệm việc áp dụng giảng dạy và thực hành nghệ thuật sắp đặt và video art cho sinh viên trong nhà trường. Đây là hoạt động ngoại khóa nhằm bổ sung một số kiến thức về nghệ thuật đương đại, giúp sinh viên mở rộng tư duy sáng tạo và tự do phát triển ý tưởng thông qua việc thể hiện quan điểm, thông điệp về cuộc sống. Dự án cũng nhằm tạo ra sân chơi nghệ thuật lành mạnh, khuyến khích sự năng động, hứng thú trong việc học tập của sinh viên trong trường. Cái mới của dự án này là không chỉ cho sinh viên thực hành tác phẩm mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức và trưng bày triển lãm. Ngoài sinh viên hội họa, sinh viên chuyên ngành lý luận cũng được luyện các bước viết bài, tập trung xây dựng và tổ chức triển lãm, tổ chức tọa đàm và bước cuối cùng là xây dựng một vựng tập nhỏ. Đây cũng là điều kiện tốt để sinh viên giữa các khoa trong trường được giao lưu và tìm hiểu quá trình làm việc của nhau, bên viết và bên thực hành tác phẩm hiểu nhau hơn.
Quá trình diễn ra dự án và thực hiện tác phẩm được triển khai trong vòng 4 tháng, từ tháng 8 đến tháng 12-2011 với 4 giai đoạn: tuyển chọn sinh viên tham gia thông qua bài thi trắc nghiệm và bài viết đánh giá tư duy; tìm hiểu nghệ thuật sắp đặt và video art thông qua các tài liệu tham khảo song song với việc thực hiện một số bài tập lý thuyết về phương pháp thực hiện tác phẩm và phát triển ý tưởng; làm bài tập thực hành phác thảo và phát triển ý tưởng tác phẩm theo chủ đề đồng thời tham dự vào một số buổi giới thiệu tác phẩm tham khảo và gặp gỡ nghệ sĩ khách mời; lên ý tưởng tác phẩm triển lãm, chính thức phát triển và hoàn thiện tác phẩm thông qua những buổi trao đổi trực tiếp với giảng viên hướng dẫn. Kết quả cuối cùng chính là triển lãm Sinh viên làm nghệ thuật, diễn ra từ 4 đến 10-1-2012.

Có những bức xúc về cuộc sống đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người. Tôi thích tác phẩm số 5 vì nó phản ánh đúng một vấn đề đang gây bức xúc rất lớn của xã hội. Bến của Nguyễn Thúy Nguyệt và Nguyễn Anh Tuyết đã nhận được nhiều lời nhận xét tương tự như vậy. Kết hợp sắp đặt một bến xe buýt giả tưởng với những điểm đến siêu hình: trái đất - vũ trụ, quá khứ - tương lai thực tại - ước mơ, địa ngục - thiên đường, với một video phản ánh sự chờ đợi rất thực, rất đời ở trạm dừng xe buýt. Bến của hai sinh viên trẻ thể hiện góc nhìn mơ mộng và đầy hy vọng. Những ánh mắt mệt mỏi chờ đợi, những dòng người qua lại sớm chiều. Với những điểm đến mang tính đối lập giữa hy vọng và tuyệt vọng, Thúy và Nguyệt đã cho người xem tự lựa chọn điểm dừng của mình. “Đôi khi chúng ta nên biết chờ đợi, hãy hy vọng và đừng vội chán nản” - Nguyệt cũng tâm sự thêm: tất nhiên đó là sự chờ đợi theo hướng tích cực chứ không phải kiểu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. “Rất nhiều máu trong tác phẩm này” là nhận xét của một ông Tây khi xem tác phẩm Ranh giới của Phạm Hoàng Tuân. Nỗi ám ảnh về văn hóa giao thông ở Việt Nam làm cho nhiều khách nước ngoài thực sự lúng túng khi ra đường. Tạo hình khỏe khoắn với cột chỉ dẫn treo biển cấm đường bị gãy gập, ta thấy sức mạnh vô hình của những chai cồn, dưới chân cột là hình ảnh vỡ vụn hỗn độn của vỏ thủy tinh, hình vẽ hai người nằm xô lệch hai nơi. Chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ với ranh giới là sợi dây ngăn đường, Tuân đã vẽ ra được một vấn nạn đáng báo động về hiện trạng giao thông ở Việt Nam.

Lại có những người lạc về miền ký ức với những băn khoăn trăn trở của riêng mình. Thời gian gần đây, người ta đang lo lắng về vấn đề không có sân chơi cho trẻ em thành phố, các em không còn biết đến những trò chơi dân gian đã từng dung dưỡng tuổi thơ bao thế hệ người Việt. Trẻ em các vùng quê nay có còn thích chơi những trò cũ rích ấy nữa không? Game online, đánh xèng,... mới thu hút, mới là hợp mốt. Hoài niệm và muốn níu kéo những trò chơi dân gian đang dần mất đi, Trần Văn Phong với Không gian tuổi thơ đã tái hiện lại một sân chơi xưa cũ. Trong góc phòng nhỏ phía tay phải triển lãm, các trò: nhảy lò cò, chơi ô ăn quan, chơi tranh gà vịt, đèn ông sao,... được sắp xếp trên vòng tròn (cách điệu thành hình khuôn mặt vui nhộn với những hình vẽ nguyệch ngoạc). Người xem có thể trực tiếp ngồi chơi để được sống lại với những trò chơi mà cái tuổi còn sún răng ưa thích. Cũng thu hút không kém là không gian nhiều màu sắc, hư ảo của (Lê Thị Thúy). Thoạt nhìn, chùm dây len buộc những miếng bóng kính nhỏ nhiều màu sắc hình tròn đặt trong góc triển lãm có vẻ hơi non nghề và sân khấu quá. Người ta chỉ thực sự bị chìm lẫn, lặng người đi trong không gian của ngôn từ, tái hiện những ký ức vui buồn về người cha mất sớm trong lòng cô con gái bé nhỏ, yếu đuối. “Có những giấc mơ, nếu được mơ lại, tôi muốn mơ lại từ đầu” là tâm sự của Lê Thị Thúy về tác phẩm cô dành tặng riêng cho người cha rất mực thương yêu đã không còn trên cõi đời này. Ở góc bên kia triển lãm, một thiếu nữ lại lên tiếng hỏi: “Hãy thử tưởng tượng sẽ có những gì bên trong một cô gái trẻ?”. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi và thử trả lời. Nét cá tính thể hiện rõ trên khuôn mặt nhìn chính diện với những vết loang chảy của vật chất đang trào ra từ đôi mắt huyền. Nào đồ trang điểm, giày dép, cuốn sách cũ, những lon bia, chai rượu vỡ,... liệu có phải chỉ có những giá trị vật chất mà bạn vừa nhìn thấy? Đó là Bí mật của Trần Hoàng Ngân. Cũng đề cập đến chủ đề nữ quyền, Đỗ Tường Linh với video Bữa sáng đã đưa ra cái nhìn mới về người phụ nữ hiện đại. Quan niệm về người phụ nữ Việt đang dần thay đổi, phụ nữ ngoài những thiên chức của mình còn có các mối quan hệ khác. Họ có nhu cầu làm đẹp, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và ở lứa tuổi nào. Và việc làm đẹp ấy trở thành nghi lễ đối với họ. Ngây thơ, non trẻ, lí lắc nhưng cũng đầy suy tư lại là những gì cảm nhận được từ tác phẩm Dù sao thì cũng phải đứng nghiêng của Bùi Minh Hà. Con lật đật nhiều màu sắc dễ thương đang đánh mắt tố cáo chủ nhân của nó. Khối rubic Xoay, tác phẩm video của Triệu Thanh Tú, lại cho ta cái nhìn về sự kết nối cuộc sống: “Cuộc sống phong phú và đa dạng giống như khối rubic nhiều màu mà mỗi người lại tác động lên nó theo những cách khác nhau”. Chơi của Nguyễn Thị Kim Nga đem lại không khí vui vẻ, thư giãn cho người xem. Với lời mời gọi “ai sẽ được quà”, nhiều người đã muốn thử vận may của mình. Thăm ký ức của Phạm Ngọc Hà Ninh lại cho thấy cái nhìn sâu hút, chiêm nghiệm về miền ký ức. Ký ức cho ta thấy những gì đã bị lãng quên. Dù ta có ý thức được sự tồn tại của chúng hay không, chúng vẫn góp phần nuôi sống hiện tại của chúng ta. Có những thứ rất thân thuộc mà đôi khi người ta lại thường đi qua và bỏ quên nó. Những chiếc vỏ đĩa cũ hỏng được Trịnh Nhật Vũ gom lại, chế biến thành tác phẩm Không đề. Và thật tình cờ, người ta cứ ngỡ tác phẩm số 1 của Trịnh Nhật Vũ (dán trên 2 cửa kính phòng triển lãm) là bức tranh hoa đào chào mùa xuân của nhà triển lãm, cũng chẳng mấy ai phát hiện ra Lọt khe, len lỏi và xen kẽ của Nguyễn Hồng Ngọc là một tác phẩm nghệ thuật. Những viên gạch cũ, cùng vỏ hạt hướng dương được Nguyễn Hồng Ngọc nhặt nhạnh đem lát phòng triển lãm. Chúng rất ăn nhập với phòng triển lãm, và hình như tự thân nó trở thành cái phông nền rất tự nhiên kết nối các tác phẩm của dự án này. Một không gian rất mới, rất lạ, rất sinh viên là điều dễ dàng nhận thấy trong triển lãm.

Diễn ra đồng thời với triển lãm là cuộc tọa đàm cùng xoay quanh chủ đề khi sinh viên làm nghệ thuật. Việc tổ chức tọa đàm cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị đối với tất cả các sinh viên tham gia dự án. Với các tác giả trẻ, đó là cơ hội để họ được bày tỏ những vất vả, khó khăn của mình trong quá trình tham gia dự án, đồng thời cũng là thử thách đầu tiên khi đối diện với công chúng và bảo vệ tác phẩm của mình. Với sinh viên lý luận, đó là cơ hội thể hiện khả năng tổ chức, dẫn dắt một cuộc tọa đàm. Sự non nớt và bỡ ngỡ rất sinh viên thể hiện rõ ở những tranh luận sôi nổi, hào hứng nhưng đôi khi đi lạc chủ đề. Tuy vậy, rất đông người tham dự, rất nhiều ý kiến phản hồi và sự đóng góp hỗ trợ dự án đã phần nào cho thấy những thành công bước đầu của dự án. Nhiều người trong số họ đã đặt ra câu hỏi: Sau dự án này là gì, có còn những hoạt động hay, bổ ích, thiết thực như thế này được tổ chức? Hai giảng viên Lê Trần Hậu Anh và Phạm Diệu Hương đã bày tỏ những dự định và mong muốn duy trì, phát triển hoạt động có tính chất ngoại khóa này trở thành một hoạt động thường niên và có thể phát triển mở rộng thành các môn học mới, bổ sung chương trình đào tạo trong nhà trường.

Vẫn còn những vấp váp, vụng về trong cách trình bày tác phẩm, trong khâu tổ chức. Nhưng trên tất cả, họ đã dám nghĩ dám làm và đi đến kết quả cuối cùng. Triển lãm mở ra những cơ hội mới, những cách nhìn nhận mới trong hoạt động giáo dục và đào tạo ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 332, tháng 2-2012

Tác giả: Vũ Thị Hằng - member E.A.T group N°1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét