Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Information: Friday May 24, 2012

“An Introduction to modernity” by Nguyen Minh from Vietnam National University for students of E.A.T (Exercitation.Art.Term). The discuss will take place from 17.30pm to 20pm, Friday May 24, 2012 at Book Cafe Trung Nguyen, 52 Hai Ba Trung street, Hanoi


Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Bài viết về TL nhóm E.A.T 1 "Sinh viên làm nghệ thuật" - Triển lãm sinh viên khắc sâu tình phụ tử, Phương Nhung

Triển lãm sinh viên khắc sâu tình phụ tử


(Dân trí) - Tái hiện giấc mơ của một cô gái ngỡ đã mất đi người cha thân yêu mang bạo bệnh qua tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Mơ”, SV Lê Thị Thúy khiến nhiều bạn trẻ không khỏi bồi hồi, xúc động và giật mình thảng thốt.
Ngày 4/1 Triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật”, E.A.T (Exercitation.Art.Term) chính thức khai mạc tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 10/01/2012.

Triển lãm là kết quả của quá trình thực hiện Dự án thực nghiệm nghệ thuật Sắp đặt và Video art của 14 sinh viên Khoa Hội họa và Lý luận & Lịch sử Mỹ thuật của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Hầu hết các tác phẩm đều để lại ấn dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem. Những trò chơi dân gian như nhảy lò cò, ô ăn quan được tái hiện trong nghệ thuật Sắp đặt gợi nhớ một thời tuổi thơ của nhiều bạn trẻ.
Buổi đêm Hà Nội với những bức ảnh và những chiếc cột điện nhằng nhịt chữ mang đậm hơi thở cuộc sống thường nhật.

Các bạn trẻ và cả những vị khách nước ngoài khá chú ý tới tác phẩm “Chơi” của Nguyễn Thị Kim Nga. Rất nhiều chiếc chìa khóa được treo trên những sợi len, nếu tìm được ổ khóa nhét vừa chìa, mỗi người chơi sẽ được nhận một chiếc kẹo. Tác phẩm đem lại sự tương tác giữa người chơi và tác giả.

“Bến” của Nguyễn Thúy Nguyệt, Nguyễn Ánh Tuyết với hành trình Quá khứ đến tương lai, từ thực tại đến ước mơ, địa ngục đến thiên đường, trái đất đến vũ trụ gợi cái bất tận của sự chờ đợi và rất nhiều cảm xúc trái chiều trong lòng người xem.

Tái hiện giấc mơ của một cô gái ngỡ đã mất đi người cha thân yêu mang bạo bệnh qua tác phẩm nghệ thuật Sắp đặt “Mơ”, SV Lê Thị Thúy khiến nhiều bạn trẻ bồi hồi, xúc động.

Những câu hội thoại trong mơ của một nhân vật giả tưởng trong tác phẩm không khỏi khiến người xem giật mình thảng thốt: “Dây thừng, ván mỏng, áo quan, cả cờ phướn gì nữa, bỏ hết đi. Nhà cháu không cần…”, “Bố, bố, bố… Sao mình không được gọi nữa nhỉ? Mình muốn gọi quá nhưng bố có nghe được mình đâu.”, “Lần này đi thực tế về nhà Chúc ăn cơm, cái cảm giác cả gia đình ngồi quây quần nói về những chuyện thường ngày, có Bố, có Mẹ và các con. Mình tủi thân quá! Cái hạnh phúc đơn giản thế mà sao mình mong ước mãi không có được”.


 Phương Nhung

Source: http://dantri.com.vn/c135/s135-553899/trien-lam-sinh-vien-khac-sau-tinh-phu-tu.htm

Bài viết về Triển lãm Nhóm E.A.T 1 " Sinh viên làm nghệ thuật' -"BƯỚC KHỞI ĐẦU ĐẦY HY VỌNG" Vũ Thị Hằng

BƯỚC KHỞI ĐẦU ĐẦY HY VỌNG

             LTS: Các hình thức mỹ thuật đương đại đã xuất hiện và song hành cùng đời sống nghệ thuật Việt Nam từ hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc giảng dạy mỹ thuật nói chung trong hệ thống đại học chuyên ngành ở nước ta vẫn dừng lại với những bộ môn truyền thống: hội họa, đồ họa và điêu khắc. Những chương trình mỹ thuật đương đại diễn trong các nhà trường, nếu có, thường là các chương trình hợp tác với nghệ sĩ, tổ chức ở bên ngoài hoặc nước ngoài. Lần đầu tiên, Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện một dự án thực hành và thảo luận về mỹ thuật đương đại do chính các giảng viên và sinh viên trong nhà trường chủ động đề xướng. Sự chủ động này thực sự mang nhiều ý nghĩa và đem lại hy vọng cho những thay đổi trong tương lai gần về mô hình đào tạo mỹ thuật ở ngôi trường đầu đàn này nói riêng, trong cả nước nói chung, tiệm cận hơn với đời sống sáng tạo mỹ thuật trong nước cũng như thế giới.

Đầu tháng 1-2012, Viet Art Centre (số 42 Yết Kiêu, Hà Nội) trở nên náo nhiệt và sôi động hơn hẳn bởi hoạt động của dự án Sinh viên làm nghệ thuật - E.A.T (Exercitation.Art.Term). Dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên trẻ Lê Trần Hậu Anh và Phạm Diệu Hương, 17 sinh viên khoa Hội họa và Lý luận - lịch sử mỹ thuật đã tổ chức chung một triển lãm. Có 13 tác phẩm tham gia gồm hai thể loại chính: sắp đặt và video art. Với cách tiếp cận khá mở, các tác giả sinh viên toàn quyền lựa chọn chủ đề và có không gian riêng của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên, một dự án thử nghiệm nghệ thuật mới được tổ chức thực hiện ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đó năm 2000, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, họa sĩ người Đức Veronika Radulovic, một số sinh viên nghệ thuật Việt Nam đã tham gia dự án thể nghiệm, lập một từ điển đơn giản về các trường phái, phong cách, kỹ thuật khác nhau của nghệ thuật thế giới TK XX. Những cái tên như Nguyễn Ngọc Lâm, Đào Minh Trí, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Ngọc Dương,... nay đã trưởng thành và ít nhiều gặt hái được những thành công trong việc theo đuổi và thực hành nghệ thuật đương đại.

Lần này, không phải tham vọng gì quá lớn, dự án ra đời với mục đích bước đầu thử nghiệm việc áp dụng giảng dạy và thực hành nghệ thuật sắp đặt và video art cho sinh viên trong nhà trường. Đây là hoạt động ngoại khóa nhằm bổ sung một số kiến thức về nghệ thuật đương đại, giúp sinh viên mở rộng tư duy sáng tạo và tự do phát triển ý tưởng thông qua việc thể hiện quan điểm, thông điệp về cuộc sống. Dự án cũng nhằm tạo ra sân chơi nghệ thuật lành mạnh, khuyến khích sự năng động, hứng thú trong việc học tập của sinh viên trong trường. Cái mới của dự án này là không chỉ cho sinh viên thực hành tác phẩm mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình tổ chức và trưng bày triển lãm. Ngoài sinh viên hội họa, sinh viên chuyên ngành lý luận cũng được luyện các bước viết bài, tập trung xây dựng và tổ chức triển lãm, tổ chức tọa đàm và bước cuối cùng là xây dựng một vựng tập nhỏ. Đây cũng là điều kiện tốt để sinh viên giữa các khoa trong trường được giao lưu và tìm hiểu quá trình làm việc của nhau, bên viết và bên thực hành tác phẩm hiểu nhau hơn.
Quá trình diễn ra dự án và thực hiện tác phẩm được triển khai trong vòng 4 tháng, từ tháng 8 đến tháng 12-2011 với 4 giai đoạn: tuyển chọn sinh viên tham gia thông qua bài thi trắc nghiệm và bài viết đánh giá tư duy; tìm hiểu nghệ thuật sắp đặt và video art thông qua các tài liệu tham khảo song song với việc thực hiện một số bài tập lý thuyết về phương pháp thực hiện tác phẩm và phát triển ý tưởng; làm bài tập thực hành phác thảo và phát triển ý tưởng tác phẩm theo chủ đề đồng thời tham dự vào một số buổi giới thiệu tác phẩm tham khảo và gặp gỡ nghệ sĩ khách mời; lên ý tưởng tác phẩm triển lãm, chính thức phát triển và hoàn thiện tác phẩm thông qua những buổi trao đổi trực tiếp với giảng viên hướng dẫn. Kết quả cuối cùng chính là triển lãm Sinh viên làm nghệ thuật, diễn ra từ 4 đến 10-1-2012.

Có những bức xúc về cuộc sống đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều người. Tôi thích tác phẩm số 5 vì nó phản ánh đúng một vấn đề đang gây bức xúc rất lớn của xã hội. Bến của Nguyễn Thúy Nguyệt và Nguyễn Anh Tuyết đã nhận được nhiều lời nhận xét tương tự như vậy. Kết hợp sắp đặt một bến xe buýt giả tưởng với những điểm đến siêu hình: trái đất - vũ trụ, quá khứ - tương lai thực tại - ước mơ, địa ngục - thiên đường, với một video phản ánh sự chờ đợi rất thực, rất đời ở trạm dừng xe buýt. Bến của hai sinh viên trẻ thể hiện góc nhìn mơ mộng và đầy hy vọng. Những ánh mắt mệt mỏi chờ đợi, những dòng người qua lại sớm chiều. Với những điểm đến mang tính đối lập giữa hy vọng và tuyệt vọng, Thúy và Nguyệt đã cho người xem tự lựa chọn điểm dừng của mình. “Đôi khi chúng ta nên biết chờ đợi, hãy hy vọng và đừng vội chán nản” - Nguyệt cũng tâm sự thêm: tất nhiên đó là sự chờ đợi theo hướng tích cực chứ không phải kiểu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. “Rất nhiều máu trong tác phẩm này” là nhận xét của một ông Tây khi xem tác phẩm Ranh giới của Phạm Hoàng Tuân. Nỗi ám ảnh về văn hóa giao thông ở Việt Nam làm cho nhiều khách nước ngoài thực sự lúng túng khi ra đường. Tạo hình khỏe khoắn với cột chỉ dẫn treo biển cấm đường bị gãy gập, ta thấy sức mạnh vô hình của những chai cồn, dưới chân cột là hình ảnh vỡ vụn hỗn độn của vỏ thủy tinh, hình vẽ hai người nằm xô lệch hai nơi. Chỉ giới hạn trong một phạm vi nhỏ với ranh giới là sợi dây ngăn đường, Tuân đã vẽ ra được một vấn nạn đáng báo động về hiện trạng giao thông ở Việt Nam.

Lại có những người lạc về miền ký ức với những băn khoăn trăn trở của riêng mình. Thời gian gần đây, người ta đang lo lắng về vấn đề không có sân chơi cho trẻ em thành phố, các em không còn biết đến những trò chơi dân gian đã từng dung dưỡng tuổi thơ bao thế hệ người Việt. Trẻ em các vùng quê nay có còn thích chơi những trò cũ rích ấy nữa không? Game online, đánh xèng,... mới thu hút, mới là hợp mốt. Hoài niệm và muốn níu kéo những trò chơi dân gian đang dần mất đi, Trần Văn Phong với Không gian tuổi thơ đã tái hiện lại một sân chơi xưa cũ. Trong góc phòng nhỏ phía tay phải triển lãm, các trò: nhảy lò cò, chơi ô ăn quan, chơi tranh gà vịt, đèn ông sao,... được sắp xếp trên vòng tròn (cách điệu thành hình khuôn mặt vui nhộn với những hình vẽ nguyệch ngoạc). Người xem có thể trực tiếp ngồi chơi để được sống lại với những trò chơi mà cái tuổi còn sún răng ưa thích. Cũng thu hút không kém là không gian nhiều màu sắc, hư ảo của (Lê Thị Thúy). Thoạt nhìn, chùm dây len buộc những miếng bóng kính nhỏ nhiều màu sắc hình tròn đặt trong góc triển lãm có vẻ hơi non nghề và sân khấu quá. Người ta chỉ thực sự bị chìm lẫn, lặng người đi trong không gian của ngôn từ, tái hiện những ký ức vui buồn về người cha mất sớm trong lòng cô con gái bé nhỏ, yếu đuối. “Có những giấc mơ, nếu được mơ lại, tôi muốn mơ lại từ đầu” là tâm sự của Lê Thị Thúy về tác phẩm cô dành tặng riêng cho người cha rất mực thương yêu đã không còn trên cõi đời này. Ở góc bên kia triển lãm, một thiếu nữ lại lên tiếng hỏi: “Hãy thử tưởng tượng sẽ có những gì bên trong một cô gái trẻ?”. Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi và thử trả lời. Nét cá tính thể hiện rõ trên khuôn mặt nhìn chính diện với những vết loang chảy của vật chất đang trào ra từ đôi mắt huyền. Nào đồ trang điểm, giày dép, cuốn sách cũ, những lon bia, chai rượu vỡ,... liệu có phải chỉ có những giá trị vật chất mà bạn vừa nhìn thấy? Đó là Bí mật của Trần Hoàng Ngân. Cũng đề cập đến chủ đề nữ quyền, Đỗ Tường Linh với video Bữa sáng đã đưa ra cái nhìn mới về người phụ nữ hiện đại. Quan niệm về người phụ nữ Việt đang dần thay đổi, phụ nữ ngoài những thiên chức của mình còn có các mối quan hệ khác. Họ có nhu cầu làm đẹp, ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và ở lứa tuổi nào. Và việc làm đẹp ấy trở thành nghi lễ đối với họ. Ngây thơ, non trẻ, lí lắc nhưng cũng đầy suy tư lại là những gì cảm nhận được từ tác phẩm Dù sao thì cũng phải đứng nghiêng của Bùi Minh Hà. Con lật đật nhiều màu sắc dễ thương đang đánh mắt tố cáo chủ nhân của nó. Khối rubic Xoay, tác phẩm video của Triệu Thanh Tú, lại cho ta cái nhìn về sự kết nối cuộc sống: “Cuộc sống phong phú và đa dạng giống như khối rubic nhiều màu mà mỗi người lại tác động lên nó theo những cách khác nhau”. Chơi của Nguyễn Thị Kim Nga đem lại không khí vui vẻ, thư giãn cho người xem. Với lời mời gọi “ai sẽ được quà”, nhiều người đã muốn thử vận may của mình. Thăm ký ức của Phạm Ngọc Hà Ninh lại cho thấy cái nhìn sâu hút, chiêm nghiệm về miền ký ức. Ký ức cho ta thấy những gì đã bị lãng quên. Dù ta có ý thức được sự tồn tại của chúng hay không, chúng vẫn góp phần nuôi sống hiện tại của chúng ta. Có những thứ rất thân thuộc mà đôi khi người ta lại thường đi qua và bỏ quên nó. Những chiếc vỏ đĩa cũ hỏng được Trịnh Nhật Vũ gom lại, chế biến thành tác phẩm Không đề. Và thật tình cờ, người ta cứ ngỡ tác phẩm số 1 của Trịnh Nhật Vũ (dán trên 2 cửa kính phòng triển lãm) là bức tranh hoa đào chào mùa xuân của nhà triển lãm, cũng chẳng mấy ai phát hiện ra Lọt khe, len lỏi và xen kẽ của Nguyễn Hồng Ngọc là một tác phẩm nghệ thuật. Những viên gạch cũ, cùng vỏ hạt hướng dương được Nguyễn Hồng Ngọc nhặt nhạnh đem lát phòng triển lãm. Chúng rất ăn nhập với phòng triển lãm, và hình như tự thân nó trở thành cái phông nền rất tự nhiên kết nối các tác phẩm của dự án này. Một không gian rất mới, rất lạ, rất sinh viên là điều dễ dàng nhận thấy trong triển lãm.

Diễn ra đồng thời với triển lãm là cuộc tọa đàm cùng xoay quanh chủ đề khi sinh viên làm nghệ thuật. Việc tổ chức tọa đàm cũng là một trải nghiệm vô cùng thú vị đối với tất cả các sinh viên tham gia dự án. Với các tác giả trẻ, đó là cơ hội để họ được bày tỏ những vất vả, khó khăn của mình trong quá trình tham gia dự án, đồng thời cũng là thử thách đầu tiên khi đối diện với công chúng và bảo vệ tác phẩm của mình. Với sinh viên lý luận, đó là cơ hội thể hiện khả năng tổ chức, dẫn dắt một cuộc tọa đàm. Sự non nớt và bỡ ngỡ rất sinh viên thể hiện rõ ở những tranh luận sôi nổi, hào hứng nhưng đôi khi đi lạc chủ đề. Tuy vậy, rất đông người tham dự, rất nhiều ý kiến phản hồi và sự đóng góp hỗ trợ dự án đã phần nào cho thấy những thành công bước đầu của dự án. Nhiều người trong số họ đã đặt ra câu hỏi: Sau dự án này là gì, có còn những hoạt động hay, bổ ích, thiết thực như thế này được tổ chức? Hai giảng viên Lê Trần Hậu Anh và Phạm Diệu Hương đã bày tỏ những dự định và mong muốn duy trì, phát triển hoạt động có tính chất ngoại khóa này trở thành một hoạt động thường niên và có thể phát triển mở rộng thành các môn học mới, bổ sung chương trình đào tạo trong nhà trường.

Vẫn còn những vấp váp, vụng về trong cách trình bày tác phẩm, trong khâu tổ chức. Nhưng trên tất cả, họ đã dám nghĩ dám làm và đi đến kết quả cuối cùng. Triển lãm mở ra những cơ hội mới, những cách nhìn nhận mới trong hoạt động giáo dục và đào tạo ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 332, tháng 2-2012

Tác giả: Vũ Thị Hằng - member E.A.T group N°1

Vernissage "Students make art" Exhibition - E.A.T group N°1- Video khai mạc triển lãm " Sinh viên làm nghệ thuật", Nhóm E.A.T 1



http://mythuatvietnam.edu.vn/index.php/forum/4-ngh-thu-t-da-truy-n-thong/60-hinh-nh-c-a-tl-sinh-vien-lam-ngh-thu-t-e-a-t

9 bài viết của sinh viên tham gia Triển lãm "Sinh viên làm nghệ thuật" - Dự án E.A.T

1. Cảm nghĩ về việc lần đầu làm nghệ thuật đương đại

Em còn nhớ hồi năm  nhất, em đã làm một tập portfolio gửi sang Đại học nghệ thuật quốc gia ở Paris (ENSBA). Trong đó toàn bộ là tranh giá vẽ và hình họa. Hình họa thì vẽ khá cẩn thận, mà em nghĩ hình họa em cũng khá nên mới gửi sang. Phần tranh sơn dầu thì vẽ nhiều kiểu khác nhau, ba dính một rời cũng có mà trừu tượng luyên thuyên cũng có. Tập hồ sơ được “hộ tống” bởi 7 cái thư giới thiệu của nhiều người, chức vụ khác nhau, ở trong và ngoài nước. Nói chung là rất cẩn thận, hoàn chỉnh (theo quan điểm ở Việt Nam). Thế nhưng nó lại bị loại ngay từ vòng sơ loại.

Đau khổ và tiếc tiền, em quyết định tìm cho ra nhẽ tại sao em bị loại. Em cũng gửi thư cho nhiều bạn học bên Pháp, gửi thư cho nhiều xưởng họa bên đó và hỏi han nhiều người. Sau cùng em phát hiện ra là những thứ em có, người ta lại không cần. Người ta cần một thứ gì đó đại loại là đương đại hơn, ý tưởng sâu hơn và có dấu ấn cá nhân hơn.

Lúc đầu thì em cũng rất ấm ức, nhưng sau này khi em lớn hơn một ít thì em thấy là mình thiếu thốn nhiều. Việc thiếu kiến thức về các xu hướng khiến mình bị lạc hậu. Dù  về sau, họa sĩ định sáng tác theo kiểu gì thì cũng không thể không quan tâm tới các xu hướng mới. Đối với sinh viên thì việc được tiếp cận với những ý tưởng mới nhất là việc rất quan trọng.
Trước đến nay, em luôn băn khoăn về một thứ nghệ thuật gần với công chúng hơn. Em xin so sánh với âm nhạc, một loại hình song song với mỹ thuật. Mặc dù âm nhạc có nhiều thể loại, nhưng chưa bao giờ nó bị tách khỏi công chúng. Người ta nghe nhạc và thích (hay không thích nó) một cách tự nhiên mà không bao giờ bận tâm là mình không đủ kiến thức như Mỹ thuật.

Em thấy có một điều là âm nhạc có nhạc luật - cái đảm bảo cho việc nó được gọi là nhạc. Nhưng mà em cũng không tìm thấy cái gì có thể gọi là "mỹ thuật luật" cả. Lần đầu làm nghệ thuật đương đại, em lần đầu tiên có được sự định hướng để truy tìm bản chất của những quy luật trong mỹ thuật. Những cái đấy, nếu chỉ vẽ tranh nhiều, chưa chắc đã hiểu ra.

Cảm nghĩ về Dự án nói riêng

Lúc đầu nói thật em khá bối rối về dự án vì nó có quá nhiều thứ mới mẻ. Dù cho em giả bộ nhiệt tình nhưng thực sự là bên trong em rất nản và hơi đối phó. Sau này triển lãm kết thúc, em mới cảm ơn bản thân vì đã cố mà theo đến cùng.

Cuối cùng thì, điều quí giá nhất mà em thu lượm được ở Dự án, đấy không phải là kinh nghiệm hay sự ra mắt công chúng, mà đấy là các mối quan hệ. Lần đầu tiên sau ba năm học trong trường em mới thấy gần gũi các giảng viên như thế. Cảm giác mà sinh viên được tôn trọng và có thể tự tin bảo vệ quan điểm của mình là một cảm giác trên cả tuyệt vời. Sự tự tin là rất quan trọng trong mọi ngành chứ không riêng gì nghệ thuật và sinh viên cần có nhiều những người bạn lớn hơn là những thầy giáo chỉ biết chấm điểm. (Chính vì thái độ cởi mờ của các giảng viên mà em rất cảm thấy không ngại ngùng khi viết về nhiều điều trong bài cảm nghĩ này, nếu bình thường em sẽ không viết).

Nói về các mối quan hệ, em đã được làm bạn với nhiều bạn ở khoa khác, khóa khác. (Trong trường rất ít khi các khoa có cơ hội nói chuyện với nhau, vì không có hoạt động nào chung). Và không những làm bạn bè vui vẻ với nhau, những sinh viên trong dự án còn được trao đổi, phê bình lẫn nhau. Và không khí thật là vui vẻ chứ không mang tính chất ăn thua.

Dự án đã tạo cơ hội cho họ được lần đầu tiên thực hành các kĩ năng nghề nghiệp, cho nhiều khoa. Tiếc là không có được sự tham gia của khoa đồ họa (thiết kế thiếp mời chẳng hạn). Trong lần sau thực hiện, dự án nên có một ban chuyên săn tài trợ và nên chia hoa hồng cho ban này.

Nếu năm nay là năm bản lề, thì sự kiện bản lề của năm bản lề trong đời sinh viên của em chính là cái dự án này.
  
Phạm Ngọc Hà Ninh (SV Khoa HH)

2. Cuộc chơi đầy lí thú

Khi tôi bắt đầu viết những dòng này thì dự án “Thực hành nghệ thuật sắp đặt và video art” đã bước sang giai đoạn triển lãm tác phẩm. Như vậy, đây chính là thời điểm tôi và những người bạn đang đứng ra ngoài tác phẩm để quan sát, lắng nghe phản hồi từ công chúng về những đứa con tinh thần của mình. Tôi thực lòng không bao giờ muốn làm to tát một chuyện gì. Chính vì thế, tôi chỉ gọi đây là một cuộc chơi, một cuộc chơi lí thú đầy màu sắc của những sinh viên ham mê nghệ thuật thị giác mà thôi.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người tham gia cuộc chơi này từ thầy Hậu Anh, cô Diệu Hương cho đến 17 bạn sinh viên đều có một tâm trạng chung - hứng khởi vì những gì đã, đang và sẽ diễn ra.

Đây là một hoạt động ngoại khóa của trường, cô Diệu Hương đề xuất, cùng tổ chức và hướng dẫn với thầy Hậu Anh. Lúc đầu khi được  thông báo về dự án, bản thân tôi không mấy quan tâm và nghĩ rằng “nó” sẽ nằm trên giấy tờ khá lâu đấy... Nhưng, có thể do sự tò mò về một hoạt động mở này nên tôi đã tham gia với trạng thái “không thèm chuẩn bị một điều gì ”. Rất may, quả thật là may mắn, vì cuối cùng tôi được chọn tham gia. Cuộc chơi bắt đầu.

Bản thân tôi khi bắt đầu đến với dự án, tôi không có nhiều kiến thức, cảm nhận, chứ chưa nói đến kinh nghiệm về nghệ thuật thị giác đương đại. Có lúc tôi thấy “choáng” vì mình bắt đầu bằng một số 0 tròn trĩnh. Quanh tôi, bạn bè tôi, họ đã và đang nói nhiều, nhiều lắm về những gì mới mẻ, lạ lẫm đã, đang và sẽ diễn ra. Cuộc chơi bắt đầu bằng những tìm hiểu mang tính lý thuyết và tự trải nghiệm thông qua việc xem các thế hệ đi trước đã làm gì. Nói thật lòng, những lúc nhận được tin nhắn hay điện thoại từ cô Diệu Hương thông báo kiểm tra thư điện tử về tiến độ dự án, tôi rất ...lo lắng. Tôi chưa thấy tự tin lắm!

Ban đầu cuộc chơi này lấy “Hà Nội đương đại” làm chủ đề mở cho mọi người thỏa sức sáng tạo. Tôi đã lùng sùng mọi “ngóc ngách” của Hà Nội để tìm cho ra một từ hay cụm từ mô tả đặc sắc nhất về Hà Nội đương đại. Hóa ra, mình mang tiếng ở Hà Nội nhưng tôi chẳng biết gì về nơi đây. Thế là một kế hoạch khá chi tiết cho việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa, nghệ thuật của mảnh đất này được hình thành. Khá nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho mọi người và chính mình.Tôi bắt đầu chú ý hơn về những điều rất nhỏ đang diễn ra hàng ngày quanh mình. Và Hà Nội đã có màu sắc, hình khối, đường nét hơn trong những suy tư của tôi.

Nhưng, do một số lý do, cuối cùng chủ đề đã thay đổi. Chúng tôi tự do thể hiện ý tưởng của mình. Cuộc chơi bước sang giai đoạn mới. Tôi cũng như mọi người thời gian đầu hình thành khá nhiều ý tưởng, nhưng qua mỗi lần thảo luận, lại thấy mình cần có những suy tư nhiều hơn nữa, tìm cho mình một cách tư duy riêng.

Tác phẩm “Chơi” của tôi ban đầu được lên ý tưởng chính từ cuộc sống của mình. Tôi muốn thể hiện một phần cuộc sống của những người nhập cư đang cố gắng hết mình để có một chỗ đứng trong xã hội mới, để mở được cánh cửa cuộc đời. Hành trình ấy, có người đã thành công, nhưng có người đành chấp nhận quay về hoặc luôn luôn đặt cho mình một câu hỏi “Tại sao?”. Vì thế tôi chọn hỉnh ảnh ổ khóa và chìa để thể hiện. Tôi đã định sẽ sắp đặt 100 ổ khóa đủ màu sắc, hình dáng, chủng loại, kích cỡ, cũ mới....thành một cánh đồng khóa. Người xem sẽ tương tác với tác phẩm của tôi bằng cách tìm đúng chiếc chìa khóa để mở. Tôi xem đó cũng như một cuộc chơi.

Và tôi dấn thân vào cuộc chơi của mình. Khi hình thành ý tưởng thì tôi chưa thể tưởng tượng được rằng, làm sắp đặt khác với vẽ chì, than, màu bột, sơn dầu...nhiều lắm. Nếu tôi vẽ, mọi thứ luôn sẵn sàng, chỉ cần có đủ tiền đi ra cửa hàng họa phẩm ... Nhưng, bây giờ tôi cần 100 ổ khóa và chìa. Và phải là những ổ khóa đã, đang được dùng để hiệu quả thẩm mỹ sẽ cao hơn. Tôi lên kế hoạch sẽ gọi điện, gặp mặt và hỏi thăm ít nhất 100 người để có được 100 ổ khóa. Tôi lân la các cửa hàng đồng nát, các điểm sửa chữa khóa, các cửa hàng đại lý khóa...để hỏi mua, thuê, mượn. Tôi thấy khá tự tin với kế hoạch của mình. Tôi tưởng tượng ra lúc mà đứa con tinh thần được phôi thai sẽ hấp dẫn người xem như thế nào...Tôi, có lúc nhắm mắt tưởng tượng ra cái cảnh một vài người đang loay hoay với cánh đồng khóa của mình để đi tìm cánh cửa cuộc đời...và tôi tự cười một mình
Thế nhưng, mọi thứ không như tôi tưởng tượng. Hầu hết những người được tôi hỏi đều nhìn tôi hoặc lắng nghe thật kĩ rồi cười bảo “Ừ, khóa à, thế nhà tớ sẽ lấy gì để khóa cửa đây???”. Tôi quên mất một điều khá hiển nhiên rằng, nhà nào cũng có khóa, nhưng khóa là để cất giữ tài sản thì làm sao họ có thể cho tôi mượn cả ổ lẫn chìa? Khi nhìn lại nhà mình thì hóa ra, mình cũng chỉ có 1 cái thôi. Còn tất cả các cửa hàng đồng nát thì họ trả lời tôi rằng họ là cửa hàng đồng nát thì lấy đâu ra khóa đang dùng được? Các điểm sửa chữa khóa bảo rằng họ sẽ bán cho tôi một ít khóa bị ...hỏng với giá của ...sắt vụn. Nhiều người cho rằng tôi khá hài hước và ..mơ mộng.

Tôi, có lúc đã định thay đổi kế hoạch. Nhưng, trước sự động viên của nhóm và 2 thầy cô giáo, tôi tiếp tục. Tôi bắt đầu nhận được sự ủng hộ từ một số người. Tôi cũng bắt đầu có những thay đổi nho nhỏ để ý tưởng được khả thi hơn. Tôi hỏi mua những loại khóa nhỏ, giá tiền...rẻ nhất, thậm chí tôi còn thỏa thuận với các cô chủ hàng khó tính rằng, khi triển lãm xong tôi sẽ... bán lại cho họ. Thật may mắn, có người đã thông cảm cho cảnh sinh viên làm nghệ thuật. Mặt khác, tôi thay đổi ý tưởng thiết kế giá treo. Tôi chọn hình thức giá treo nhỏ gọn và khả năng tương tác cao hơn, để trông giống một trò chơi hơn. Và kết quả là bạn bè tôi đều bảo trông cái giá ấy giống cái giá ...treo áo quần cho trẻ em. Cuối cùng tôi cũng có đủ khóa, với số lượng khá khiêm tốn so với dự định ban đầu (33 ổ khóa) nhưng lại khá phù hợp với thiết kế nhỏ gọn của mình.

Cuộc chơi của tôi tiếp tục với nhiều ý kiến đóng góp từ cách trang trí, đến cách sắp đặt mọi thứ sao cho phù hợp và nổi bật ý tưởng. Tôi và Hằng (lớp Lý Luận) và một số người bạn chăm chút cho đứa con rất cẩn thận. Và đến những giây phút cuối cùng, khi được tham khảo thêm ý kiến, tôi quyết định thay đổi một chút về ý tưởng. Tôi không đóng khung tất cả trong ý tưởng ban đầu. Tác phẩm của tôi là “Chơi”. Cuộc sống của chúng ta, thực chất là một cuộc chơi. Khi  dấn thân vào bất kì cuộc chơi nào, chúng ta không chỉ có trải nghiệm về nó mà còn hiểu hơn ai hết khả năng, bản lĩnh của chính mình. Cuộc chơi nào cũng có kết thúc, người nhận được phần thưởng là người có chút may mắn nhưng điều quan trọng nhất chính là họ đã dám chơi, dám làm điều mình mong muốn. Đi tìm chìa để mở khóa còn là mở thêm một cánh cửa mới, mở thêm cơ hội mới. Tại sao chúng ta không chơi và tìm ra một cánh cửa mới ?

Trong buổi khai mạc, đã có những người “chơi” với tác phẩm của tôi. Họ đã cho tôi thêm nhiều cảm nhận và cũng có rất nhiều cảm nhận từ họ. Có những cảm nhận khác với cảm nhận của tôi, có những chia sẻ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.Cuộc triển lãm vẫn đang diễn ra, có thể sẽ có thêm nhiều ý kiến khác nhau nữa, cũng có thể có thích thú, cũng có thể có người sẽ đi qua nhưng không nhìn thấy đứa con của tôi. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng, tôi đã làm ra nó với tất cả nỗ lực của chính mình. Tôi biết rằng mình đang “Chơi”.
Nói một lời “cảm ơn” đôi khi sẽ rất khách sáo nhưng tôi thấy cũng rất cần. Cảm ơn tất cả những người đã đồng hành, tham gia cuộc chơi đầy lí thú này  cùng tôi, đặc biệt là thầy Hậu Anh và cô Diệu Hương!

Nguyễn Kim Nga (SV Khoa HH)

3.
  Mấy tháng trước khi cầm tờ Phiếu điều tra sinh viên và câu hỏi kiểm tra trình độ cho việc tuyển chọn sinh viên  tham gia Dự án thử nghiệm Sắp đặt và Video art, tôi cũng như các bạn trong Dự án đều có chung một  suy nghĩ: cứ điền đại đi chẳng biết câu đấy hỏi gì và cũng không quan tâm đến loại hình nghệ thuật mới này. Mình có được chọn hay không cũng hề hấn gì cả, miễn sao là làm cho xong thủ tục của tờ lựa chọn cho môn học ngoại khóa.

  Một thời gian sau, khi được cô Diệu Hương thông báo là tôi được chọn vào Dự án và hỏi tôi có khẳng định vẫn luôn muốn tham gia hay không, nghĩ rằng mình chẳng biết Sắp đặt là gì cả,cũng chưa được học Video art bao giờ, mà nói chung là mấy môn nghệ thuật mới này tôi cũng không hiểu lắm nên cũng không được hứng thú lắm. Thôi thà để thời gian nghiên cứu thêm kĩ thuật sơn dầu có phải tốt hơn không? Nghĩ  thế nên tôi trả lời đúng theo ý mình, nhưng cô Diệu Hương bảo đây là một Dự án thực nghiệm có thể giúp tôi có một cái nhìn nhận mới về Nghệ thuật đương đại và có thêm trải nghiệm mới, hơn nữa cũng sẽ không quá mất thời gian cho việc học chính khóa và bước đầu sẽ chỉ trao đổi việc học qua Email. Vậy thì  tôi đồng ý! Thôi, kệ . làm thì làm, tham gia thì tham gia.

Ban đầu là tìm hiểu về một số tác giả có tên tuổi trên thế giới cũng như ở Việt Nam và sau đó là định nghĩa nghệ thuật Sắp đặt. Tất cả mọi thứ đều mới,tôi mơ hồ định nghĩa về nó, chỉ mang máng hiểu Sắp đặt là đặt những vật trong không gian tạo ra một không gian tạo hình đa chiều, và không gian đấy có thể tương tác với người xem. Suy nghĩ của tôi cũng thật mơ hồ và định nghĩa về nghệ thuật Sắp đặt cũng mơ hồ theo. Tôi nghĩ rằng khi làm một cái gì đó, nếu mình không hiểu được bản chất của nó thì chắc chỉ  có thể làm ra một thứ sản phẩm vô giá trị. Nghĩ vậy nên qua một số lần gặp,tìm hiểu và tham gia các hoạt động  của Dự án, tôi nhận ra rằng mình phải có trách nhiệm với bản thân mình và với nhóm Dự án  của mình. Tôi đã tự nhủ mình sẽ phải cố gắng suy nghĩ ra một ý tưởng nào đấy thật thời đại, thật lớn lao. Phải làm cho ra làm ! Tôi cố gắng đưa từ ý tưởng nọ đến ý tưởng kia, nào là: “Chỗ đứng của ta” ( tác phẩm tôi định miêu tả về sự nhập cư vào thành phố, con người chen lấn nhau đến mức không có chỗ đứng), nào là “ Khăn mặt cuộc sống” ( nói về sự bon chen, bươn chải của người dân lao động.)....Nhưng khi đưa ra thảo luận thì những ý tưởng đó của tôi không chặt chẽ từ ý tưởng cho đến hình thức thể hiện. Tôi chưa có đủ trải nghiệm về sự “đau đời” hay  đủ “bế tắc” nên những ý tưởng tác phẩm  tôi đưa ra đó còn hời hợt và  chạy theo xu thế. Hơi nản chí, tôi đã định không tham gia , không tìm hiểu, hay thảo luận gì nữa, vẽ hình họa thôi, học chuyên ngành thôi, cố gắng học cho giỏi được chuyên ngành của mình đã là tốt rồi. Nhưng cũng thật là lạ, nghĩ thế rồi nhưng tôi lại vẫn cứ suy nghĩ về nó và một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi. Tại sao không làm một tác phẩm liên quan đến bản thân mình, cuộc sống của mình có bao nhiêu là tâm sự, mình có thể giải bày, có thể chia sẻ bằng ngôn ngữ nghệ thuật mới. Tại sao không nhỉ?

   “Mơ” đấy là cái đầu tiên tôi nghĩ đến.Trong cuộc sống hay trong mỗi giấc ngủ những giấc mơ luôn hiện hữu như một cái bóng hay một cái gương phản chiếu những khát vọng trong tâm hồn của mình. Giấc mơ nó xa xôi, nó mờ ảo, nó phi thường, nó ám ảnh... trong mơ tôi buồn, tôi vui, tôi khóc ,tôi cười và chỉ có trong mơ tôi mới gặp lại người mà tôi nghĩ rằng tôi không bao giờ gặp lại được nữa; đó đó là Bố  mình. Những suy nghĩ , những tâm sự  đã giúp tôi hình tượng hóa nó thành tác phẩm . Ở đây tôi nhận ra rằng nghệ thuật giúp tâm hồn mình được giải thoát, nghệ thuật giúp ta đóng lại cánh cổng quá khứ và mở ra cánh cổng tương lai, nghệ thuật giúp ta xóa mờ những ám ảnh; và hơn thế nữa nghệ thuật làm ta cảm thấy hạnh phúc hơn .

   Khi tham gia Dự án, mọi kiến thức thu nhận được với tôi thật vô giá, chúng sẽ  góp phần là nền tảng cho sự phấn đấu nghề nghiệp của tôi sau này. Nhưng điều quan trong nhất mà tôi có được là sự chia sẻ, lắng nghe của Thầy, của Cô và những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong Dự án. Tất cả mọi người đã góp phần giúp tôi phát triển ý tưởng,  hoàn thiện tác phẩm và chúng tôi đã cùng nhau cố gắng để có sự thành công của triển lãm ngày hôm nay.
 Lê Thị Thúy (SV Hội họa K52)

4. Viết về triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật” E.A.T

Có nhiều người từng hỏi em: sao mà mình lại không biết về dự án này? Những người như thế nào thì được tham gia vào dự án? Làm dự án này chắc vui lắm? Vâng, dự án EAT không chỉ là 1 cuộc vui chung đầy thú vị mà còn là cơ may cho một sinh viên mới bước vào môi trường nghệ thuật như em.

Trải nghiệm của em sau triển lãm này có thể rút gọn thành 3 cụm từ “tận dụng thời gian”, “kiên trì ý tưởng” và “niềm vui làm nghệ thuật”.

Khi vừa phải đảm bảo công việc học vừa phải đảm bảo tiến độ thực hiện tác phẩm em nhận ra mình có cách quản lý thời gian không khoa học. Cũng vì không biết tận dụng thời gian hiệu quả mà buổi khai mạc triển lãm đã gặp những rắc rối nhỏ, lẽ ra đã có thể tránh được. Thời gian là của mình, tuy nhiên một khi đã trôi qua không lấy lại được, do đó nó còn quý hơn cả tiền bạc. Thường khi ta nhận ra giá trị của thời gian là lúc ta đã phí phạm quá nhiều. Khi chỉ còn ít ỏi thời gian để làm 1 cái gì đó thì hình thành tình trạng “nước đến chân mới nhảy” và căn bệnh “stress” dạng nhẹ. Những điều “giá như” sau khi buổi khai mạc đi qua khiến em nhận thấy mình cần sử dụng thời gian 1 cách hiệu quả hơn nữa.

Với ý tưởng cho tác phẩm “Bến”, em và chị Nguyệt đã không ít lần muốn thay đổi nó, dần dần thấy mất phương hướng; dẫn đến tình trạng đi quay video toàn những cảnh lan man không đúng chủ đề. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy Hậu Anh và cô Diệu Hương mà chúng em đã kiên trì theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng. Trong quá trình tạo ra tác phẩm thì sự “kiên trì” theo đuổi ý tưởng mình đã đặt ra là rất quan trọng, bởi nếu bản thân mình không có bất kỳ ràng buộc nào cho tác phẩm của mình thì mọi thứ sẽ đều thừa thãi quá giới hạn, cuối cùng chính tác giả sẽ tự hỏi: thật ra tác phẩm này muốn nói cái gì? Thật ra nó tên là gì?...

Ngoài những kinh nghiệm quý thu thập được thì em cũng được trải nghiệm cảm giác hứng thú khi cùng các thành viên trong nhóm thực hiện tác phẩm. Ở những buổi trao đổi, mọi người cùng đưa ra ý tưởng và tranh luận sôi nổi thoải mái. Không khí trong những ngày chuẩn bị cho triển lãm tạo cho em cảm giác đồng điệu, bình đẳng, đặc biệt là sự gần gũi tận tình của các thầy cô. Đây là điều mà dù ở lớp học vẽ hay tự vẽ ở nhà, em đều không thấy được, sự hào hứng cùng một chút thi đua khiến em có nhiều động lực để làm việc hơn.

Sau khi triển lãm kết thúc em nghĩ rằng mình và các bạn cùng nhóm, ở một mặt nào đấy, sẽ thay đổi tích cực hơn và nhất là sẽ thêm yêu thích nghệ thuật sắp đặt và video art.

Nguyễn Ánh Tuyết _ Lớp HH II- A

5. TÁC PHẨM “B Stop”

Tôi đã từng đi học bằng xe Bus, thời gian ấy không dài, nhưng có lẽ cũng đủ để tôi hiểu và cảm nhận nhiều hơn về Một “bến” chờ.
Ở đó, tôi bắt gặp nhiều cảm xúc khác nhau trên những khuôn mặt. Tôi tự đặt ra cho mình những câu hỏi và trí tò mò đã khiến tôi muốn khám phá những cảm xúc đó. Trên “Bến” chờ ấy có phải, ai cũng may mắn được bước lên tuyến xe của mình? Hay mãi chỉ là ngồi ở “Bến”?.  Điều đó khiến tôi liên tưởng đến những “bến đời”.

Ai cũng có nhiều ước muốn, có ước muốn là có chờ đợi. Phải chăng chờ đợi  cho chúng ta một mục đích để sống, một động lực để vươn tới. Trong chờ đợi, tôi chuẩn bị và xây dựng cho mình, chính ước muốn và sự chờ đợi đã nhào năn nên cuộc sống của tôi. Có nhiều việc người ta đạt được là nhờ chủ động tìm kiếm, nhưng đôi khi thì phải biết đợi chờ. Đâu phải cái gì cũng nằm trong tầm tay của chính mình? Đâu phải cứ khi nào ta cố hết sức thì mọi sự mong muốn đều sẽ đến? Đâu phải cứ lúc nào ta muốn là được?

Khi nói đến “Bến” chắc hẳn không ít ai là không nghĩ tới một không gian nhộn nhịp, xô bồ, chen lấn. Nhưng trong tác phẩm này, chúng tôi muốn đưa cảm nhận tĩnh xung quanh cái động. Đó là một chuỗi tâm trạng và cảm xúc khác nhau trên “Bến” đợi.

Nếu như cuộc sống thực, là sự mòn mỏi, chờ đợi những chuyến xe thì tại sao chúng ta lại không tìm một cái gì đó để cân bằng nó. Đó chính là một không gian ảo mà chúng tôi muốn đưa vào bên cạnh sự mệt mỏi. Không gian “Ảo” là  mặt đối lập với không gian “thực” và cũng là mặt đối diện của thực tại.. Trong tác phẩm này, người xem có thể thay đổi điểm nhìn và có những cảm nhận khác nhau.

 Có bao giờ bạn muốn khám phá vũ trụ?
 Có bao bao giờ bạn muốn quay trở về với quá khứ để thay đổi tương lai? đứng giữa thực tại, bạn đang ước mơ điều gì? Cảm thấy bế tắc trong cuộc sông? bạn sẽ thoát khỏi nó? Đó là những đối lập trên lộ trình “Bến” của chúng tôi. Nếu ở kia là những “Bến” đời thì tôi tin rằng họ sẽ tìm thấy những lối đi riêng cho mình.

Để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh thật không đơn giản như tôi vẫn thường nghĩ. Nó cần có thời gian, có tìm tòi, sự sáng tạo và phải yêu cái mình muốn tìm kiếm, tạo cho mình một cảm hứng. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống, thật giản dị, có những điều ta cho nó là tầm thường nhưng đôi khi
nó lại mang giá trị nghệ thuật không nhỏ.
Để làm ra một tác phẩm trước tiên phải hiểu được bản chất của nó, từ đó ta mới sáng tạo. Từ biển báo điểm dừng xe bus chúng tôi cũng cần đo đạc, cân nhắc, lựa chọn chất liệu phù hợp.
Trong những buổi đi quay, chúng tôi gặp không ít những khó khăn, bởi “bến” luôn là chỗ đông người, những việc làm của chúng tôi gây chú ý, khiến họ rất tò mò, những ánh mắt thật khó hiểu, cũng có người thế này người thế kia, nhưng sự chờ đợi mệt mỏi trên “Bến” kia đã khiến họ quên đi chúng tôi, và dần đối diện với cảm xúc thật của chính  mình. Chúng tôi cảm thấy tan dần đi cái mệt mỏi và giá lạnh của một ngày đi tìm kiếm, khi chúng tôi được đứng quan sát và đồng cảm với sự chờ đợi của họ.

Là một trong số những sinh viên được tham gia vào dự án, tôi vô cùng vinh dự. Qua dự án này, được trải nghiệm qua 4 giai đoạn từ bước đầu thực hiện tuyển chọn cho đến khi hoàn thiện tác phẩm, tôi đã khám phá ra những điều tưởng như rất đời thường trong cuộc sống. Qua con  mắt nghệ thuật mỗi khía cạnh của cuộc sống được nhìn nhận và thể hiện bằng tư duy sang tạo, tự do phát triển ý tưởng về những thông điệp bằng những chất liệu mới.
          Tôi đã từng nghe một câu nói rất hay rằng: “ Có cái mà chờ đợi còn hơn không có gì để chờ đơi”. Tuy rằng sự chờ đợi rất mệt mỏi và khủng khiếp nhưng tất cả đều hướng tới một mục đích, một ước mơ. Chính vì vậy,
qua tác phẩm này tôi muốn gửi tới các bạn một thông điệp rằng “ Hãy biết chờ đợi”.

Nguyễn Minh Nguyệt (SV HH K52)

6. E.A.T. (Exercitation Art Term) – Dự án mở dành cho sinh viên

Những năm đầu thế kỷ 21, khi những loại hình nghệ thuật mới du nhập vào nước ta, có rất nhiều workshop, triển lãm dành cho sinh viên Mỹ thuật được tổ chức dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ nước ngoài. Một thời gian dài sau đó, các hoạt động này dần dần lắng xuống. Cho đến khi “Dự án thực nghiệm nghệ thuật sắp đặt và video art được tổ chức”, đánh dấu cho sự trở lại của không khí làm nghệ thuật sôi nổi dành riêng cho sinh viên.

Triển lãm của 16 sinh viên tham gia dự án, với tên gọi “Sinh viên làm nghệ thuật, E.A.T” (kéo dài từ ngày 4.1 đến ngày 10.1.2012 tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội) là kết quả của quá trình thực nghiệm với một chuỗi những hoạt động học thuật về lý thuyết cũng như thực hành phát triển các ý tưởng. Hai loại hình tưởng như còn rất mới trong chương trình giảng dạy của nhà trường, được các sinh viên vận dụng theo những cách hiểu khác nhau. Tất cả mang đến một không gian triển lãm đa sắc màu, đa trạng thái và sáng tạo trong việc sử dụng các chất liệu. Tư duy sáng tạo và cá tính riêng của từng bạn sinh viên thể hiện qua mỗi tác phẩm. Họ không chỉ mang đến triển lãm cái nhìn đơn thuần về cuộc sống, mà còn gợi ra những cảm quan thông qua cách sống và ứng xử với các vấn đề của xã hội. Bên cạnh đó là những tâm sự cá nhân kín đáo gửi gắm qua ngôn ngữ của nghệ thuật. Không thể nói rằng, các “sinh viên làm nghệ thuật” này có thể đại diện cho tiếng nói của cả một lớp trẻ ngày nay. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, các tác phẩm đã tìm thấy sự đồng cảm của ít nhiều khán giả.

Điều thú vị nhất của triển lãm này là cho người xem biết được rằng khi sinh viên làm nghệ thuật, có gì khác cách thông thường các nghệ sĩ vẫn làm? Họ làm nghệ thuật như thế nào khi không có tên tuổi của những giám tuyển nổi tiếng đứng ra bảo trợ, không hề có một khoản tài trợ nào, không có studio riêng, không có nhiều thời gian vì còn phải chia sẻ cho việc học tại trường...? Và theo như những gì khán giả đã thấy, các tác phẩm của các bạn sinh viên sáng tạo ra đều mộc mạc nhưng rất chân thành. Họ góp nhặt những vật dụng có sẵn, cố gắng sử dụng những nguyên liệu rẻ tiền nhất nhưng lại chỉn chu đến cùng cho đứa con tinh thần của mình. Nhìn vào thành quả được trưng bày có thể thấy họ đã nỗ lực trong giới hạn cho phép của mình và có trách nhiệm với những gì mình mang ra trước công chúng. Khán giả không đến xem họ vì tò mò trước tên tuổi hay lời quảng cáo trước triển lãm, mà để ủng hộ cho sự khiêm nhường, mong muốn được học hỏi của các nghệ sĩ tương lai. Cũng có thể nói, khán giả đã phần nào góp phần tạo ra sự đặc biệt cho triển lãm này. Quan sát trong những ngày diễn ra triển lãm, thành phần khán giả đến xem rất phong phú. Trước hết là sự có mặt của hầu hết các nghệ sĩ là giảng viên trong trường,  cả những người rất ít khi có mặt tại những hoạt động nghệ thuật đương đại hiện nay. Còn có rất nhiều bạn đang học hay làm ở các lĩnh vực khác nhau đến để ủng hộ cho bạn mình làm triển lãm. Họ chia sẻ rằng, đây là cơ hội cho họ lần đầu tiên được tiếp xúc với nghệ thuật và thấy được nhiều điều thú vị. Nhiều giảng viên của các trường khác cũng tới xem với mục đích tham khảo hoạt động ngoại khóa của sinh viên trường Mỹ thuật... Nghệ thuật nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp, đó là một điều đáng khích lệ. Hy vọng điều này sẽ tiếp tục được phát huy, để tình trạng trong nhiều triển lãm hiện nay, khán giả đến xem chỉ toàn là người trong giới nghệ thuật và báo chí.

Một điểm đáng chú ý của “Sinh viên làm nghệ thuật”, đó là ở tính chất thử nghiệm xuyên suốt mọi hoạt động của triển lãm. Trước tiên, đây là kết quả đầu tiên của “Dự án thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt và video art” (do hai giảng viên trường Đại học Mĩ thuật là Lê Trần Hậu Anh và Phạm Diệu Hương đề xuất và hướng dẫn). Các tác phẩm hầu như cũng là những sáng tạo đầu tay được đưa ra trước công chúng của các bạn sinh viên tham gia dự án. Các tác giả cũng không ngại lựa chọn rất nhiều hình thức làm sắp đặt cũng như video art. Họ vận dụng nhiều kiến thức mình góp nhặt được trong quá trình học, và áp dụng cách hiểu khác nhau đối với hai loại hình còn khá mới mẻ trong nhà trường: bắt đầu từ những khái niệm như site-specific (tạm hiểu là thay đổi không gian), ready-made (sử dụng những vật thể có sẵn), sự tương tác với môi trường và khán giả... Sau quá trình tìm hiểu lý thuyết và tham khảo từ tài liệu về các nghệ sĩ trên thế giới, các sinh viên được lựa chọn cách thức mà mình cảm thấy có cảm hứng nhất để làm tác phẩm. Chẳng hạn như trong tác phẩm “Lọt khe, len lỏi và xen kẽ”, bạn Nguyễn Hồng Ngọc (sinh viên Lý luận K12) đã sử dụng vật liệu như gạch lát đường, vỏ hướng dương để tạo ra một cảnh tượng quen thuộc nhưng lại trở nên mới lạ trong không gian triển lãm. Ngọc chia sẻ đó là sự ảnh hưởng từ “Một trăm triệu hạt hướng dương” của Ai Wei Wei. Điều khác Ai Wei Wei dùng phiên bản hướng dương bằng sứ còn Ngọc lại chọn những vỏ hạt thật. Hay như “Vô đề” của Trịnh Nhật Vũ (sinh viên Hội họa K52). Đó là hai cánh cửa được dán đầy những vỏ đĩa CD đã qua sử dụng, mà không mấy ai nhận ra tác phẩm nếu như không được chỉ dẫn. Tác phẩm của Vũ có thể chưa thành công trong việc diễn tả ý đồ, nhưng mục đích biến đổi không gian đã hoàn toàn được thực hiện. Theo Vũ, đó chỉ là tác phẩm mang tính chất khơi gợi và dẫn dắt. Sử thử nghiệm còn ở chính việc trưng bày các tác phẩm chỉ với một con số dán bên cạnh mà không có bảng đề tên tác giả - tác phẩm như cách thông thường. Mục đích của việc làm này là hướng người xem đến việc thưởng thức nghệ thuật thực sự bằng chính những gì họ thấy và cảm nhận được, chứ không phải những ngôn ngữ hoa mỹ đánh lừa. Bản thân tác phẩm sẽ quyết định việc khán giả có hiểu và đồng cảm hay không. Điều này cũng khiến các nhà báo mất thời gian xem tác phẩm hơn là chỉ đến và đưa tin đúng theo những gì đã ghi sẵn ở triển lãm. Tất cả những thử nghiệm trên gộp lại, với một mong muốn chung là góp phần mang lại “sự trong sạch” của nghệ thuật. Nghệ thuật là kết quả sự thăng hoa cảm xúc, lòng đam mê nghệ thuật và mang đến cảm xúc thật cho khán giả.

Nhưng vẫn phải nói rằng, trong triển lãm, vẫn còn nhiều tác phẩm còn thể hiện rõ sự thiếu sót về mặt kỹ thuật và tạo hình, nên chưa truyền tải hết được ý đồ của tác giả. Một vài tác phẩm sắp đặt mang có hơi hướng mang tính minh họa hoặc tái hiện lại cảnh tượng trong thực tế cuộc sống. Các tác phẩm video art nói chung chưa làm rõ được ngôn ngữ đặc trưng của loại hình. Video có ý tưởng nhưng còn quá đơn giản, thể hiện sự hạn chế và chưa được đầu tư công sức đúng mức của tác giả. Một vài thành viên trong dự án cũng chia sẻ rằng họ chưa hài lòng với tác phẩm của mình. [m1] Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như điều kiện cơ sở vật chất, không gian trưng bày chưa đáp ứng được nhu cầu, thì nguyên nhân chủ quan do kiến thức của các bạn sinh viên về loại hình cũng như các lý thuyết liên quan còn chưa đầy đủ. Đây cũng là vấn đề được nhắc đến trong buổi tọa đàm “Sinh viên làm nghệ thuật” (diễn ra chiều ngày 6.1.2012, một trong những hoạt động học thuật bên lề triển lãm).
Triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật” cùng nhiều hoạt động khác đã khép lại nhưng đã đánh dấu những bước đầu tiên cho những dự án dành riêng cho sinh viên trường Mỹ thuật. Dù các tác phẩm chưa thực sự hoàn thiện và còn nhiều điều cần học hỏi, nhưng đó là cơ hội tốt cho các sinh viên được làm việc trong môi trường nghệ thuật. Bước đệm ấy là cần thiết cho con đường tương lai của các bạn. Hy vọng trong tương lai, Dự án sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nữa để phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động của mình.

Trần Hoàng Ngân (SV Khoa LL&LSMT)

7.

Dự án triển lãm “ sinh viên làm nghệ thuật” được giảng viên cùng vớ
imột nhóm các sinh viên thuộc hai khoa hội họa và lý luận tổ chức lần
đầu, tuy mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiệp dư, mang tính thử nghiệm
bước đầu nhưng cũng đã thu hút được sự chú ý nhất định đối với báo chí
và công chúng yêu nghệ thuật tại Hà Nội. Các tác phẩm được trưng bày
trong triển lãm chính là tâm tư tình cảm, là cái nhìn rất riêng của
mỗi sinh viên đối với cuộc sống. Đó có thể là cái nhìn đầy yêu thương
về quá khứ, về những ký ức tuổi thơ. Đó cũng có thể là cái nhìn đầy
thực tế về cuộc sống hiện tại với rất nhiều chuyển động không ngừng,
nhiều điều ẩn giấu, nhiều thực trạng đang từng ngày từng giờ diễn ra
xung quanh mỗi chúng ta. Hoặc đơn giản, đó chỉ là một vận may, một
chút giải trí nho nhỏ giữa bộn bề cuộc sống. Do những tác phẩm được
làm bằng ngôn ngữ khá mới, đó là sắp đặt và video art nên việc thực
hiện tác phẩm của sinh viên còn gặp nhiều bỡ ngỡ, dẫn đến việc đôi khi
hình thức thể hiện vẫn chưa thực sự với tới nội dung cần truyền tải.
Tuy nhiên, đây sẽ trở thành bước đệm quan trọng giúp những sinh viên
làm nghệ thuật có thể tìm ra hướng đi sau này cho việc theo đuổi ước
mơ của mình.

Triệu Thanh Tú (SV Khoa LL&LSMT)

 8.

Nghệ thuật Video art và Sắp đặt xuất hiện tại Việt nam đã được gần 20 năm, dù thoái trào hay đang hưng thịnh, thì sự nở rộ của phong trào làm các loại hình nghệ thuật mới này cũng là một tín hiệu đáng mừng cho những quan điểm đánh giá khắt khe về  nghệ sĩ tạo hình đương đại của  lối tư duy quản lí của nền Mỹ thuật Việt Nam một thời. Tuy nhiên, song hành với sự “mở cửa” này, nền Mỹ thuật đương đại cũng nên đặt ra những phương hướng cho mình  trong việc mở ra một lối đi riêng, hướng tới mục tiêu không còn lạc hậu về tư duy tạo hình, phải có bản sắc và tiếng nói nghệ thuật. Trước hết là việc tìm được chỗ đứng trong chính tiến trình lịch sử nghệ thuật của chúng ta, sau đó mới là mục tiêu vươn tới đồng hành cùng sự phát triển của nghệ thuật đương đại trên thế giới. Để thực hiện thành công được những tiêu chí đó, thì phải có các hoạt động đào tạo Mỹ thuật.

Cho đến nay, tại các trường đào tạo mỹ thuật trong cả nước, tạm thời vẫn có chưa có bộ môn nào nghiên cứu chuyên sâu, và coi Nghệ thuật Đương đại là một môn học, việc thực hành Mỹ thuật Đương đại trong nhà trường gần như còn thiếu hụt và bị bỏ ngỏ. Mặc dù vậy, việc trao đổi về các loại hình nghệ thuật mới của các sinh viên Mỹ thuật đang học tập trên ghế nhà trường, hay thậm chí là các sinh viên không chuyên ngành Mỹ thuật lại không hề thiếu vắng tại các diễn đàn và triển lãm Đương đại hay các sự kiện liên quan. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cũng là một vấn đề khiến các nhà đào tạo Mỹ thuật băn khoăn về việc thực nghiệm một chương trình chính thức dành cho sinh viên nhà trường được trực tiếp thực hành nghệ thuật mới, dưới một mô hình lý thuyết và đường hướng cụ thể. Xét cho cùng, nghệ thuật mới dù có mới đến đâu, cũng cần một nền tảng để các sinh viên - những nghệ sĩ tương lai không đi chệch hướng. Nắm bắt nhu cầu học hỏi và nhìn thấy năng lực làm việc của sinh viên, tháng 8 vừa qua, một Dự án thực hành nghệ thuật đương đại dành cho sinh viên đã được triển khai tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dưới sự điều hành của hai giảng viên khoa Hội họa- Thạc sĩ Lê Trần Hậu Anh và giảng viên khoa Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam- Thạc sĩ Phạm Diệu Hương. Trải qua 3 tháng tuyển chọn các sinh viên tham gia, lên kế hoạch làm việc và bổ sung kiến thức lý thuyết về Sắp đặt và Video Art, lên phác thảo ý tưởng và phát triển các tác phẩm, dự án Sinh viên làm Nghệ thuật đã có một buổi triển lãm cùng tên tại Viet Art Center 42 Yết Kiêu trưng bày 13 tác phẩm sắp đặt và video art của 14 sinh viên trong nhóm 17 sinh viên tham gia dự án.

Với tư cách một trong 17 sinh viên tham gia dự án từ những ngày đầu tiên nhưng lại không có tác phẩm trực tiếp trưng bày, tôi xin phép đưa ra một vài nhận định cá nhân trong bài viết của mình về sự kiện lần này dưới góc độ một người xem triển lãm Sắp đặt và Video Art trước khi mạn bàn về những vấn đề liên đới khác.

Hiếm có lần nào phòng trưng bày của VietArt lại sống động và có không khí tự thân từ tổ hợp các tác phẩm như thế. Từ khi nhìn thấy cánh cửa đóng mở phòng trưng bày, người xem bắt đầu được đi vào không gian riêng của nhóm nghệ sĩ. Mở đầu là hai tác phẩm “Không đề” của Trịnh Nhật Vũ, và “Lọt khe, len lỏi và xen kẽ” của Nguyễn Hồng Ngọc có nhiệm vụ trực tiếp đưa người xem vào thế giới của 14 sinh viên trẻ. Rất nhiều báo chí đăng tin không nhận ra sự hiện diện của tác phẩm của Ngọc, nó bị nhầm lẫn với con đường bình thường nào đó chúng ta gặp trên phố. Thế nhưng, chính điều đó làm tôi đánh giá cao hơn vai trò của tác phẩm này trong tổ hợp trưng bày phía trái của phòng triển lãm, giải quyết vấn đề bố cục không gian cho gian trái. Ngoài ra, chính những statement đơn giản thậm chí là ngô nghê bâng quơ của các sinh viên trong triển lãm này, càng khiến cho tác phẩm nói được nhiều hơn những gì người ta đọc được trên giấy[m1] . Ngọc thích nhìn những hạt hướng dương rải rác trên những con đường Hà Nội, nơi giới trẻ đang có một văn hóa cộng đồng mới mang tên “văn hóa trà đá”. Bởi Ngọc là một người trẻ trong số đó, những vỏ hạt hướng dương có ý nghĩa đặc biệt với cô, sự hiện diện còn sót lại của chúng trên những kẽ gạch rung động cô. Ngoài điều đó ra, cái tên Ngọc chọn ắt hẳn ẩn chứa nhiều hơn một văn hóa “teen teen” rải rác đầy trên phố. Là những điều nhỏ bé vô thưởng vô phạt trên đường đời chúng ta phải chú ý thì mới có thể nhận ra, phải có đủ tình yêu và gắn bó mới nhìn thấy chúng có hiện diện. Cuộc sống rất quen mà cũng rất lạ như con đường có hướng dương hay bị các nhà báo bỏ sót trong danh sách các tác phẩm này vậy. Chỉ cần họ tinh ý, chỉ cần ta cúi nhìn xuống những con đường.

Từ “Lọt khe, len lỏi và xen kẽ”, chúng ta sẽ thấy không gian triển lãm vào sâu bên trong giống như cuộc sống ngoài cánh cửa phòng triển lãm- mà “Không đề” mang nhiệm vụ ranh giới tâm hồn chúng ta với thực tại kia. Là bất kì góc đường nào ta có thể gặp ở Hà Nội, mỗi tác phẩm lại cho ta vị trí của một điểm nhìn nơi phố. Thật khéo mà video của Nguyễn Thúy Nguyệt và Nguyễn Ánh Tuyết lại được chiếu lên một góc tường như thế, rồi kết hợp với sắp đặt đi kèm. Thử hình dung bó hẹp “Bến” của Nguyệt và Tuyết trong một cái màn hình ti vi, chúng ta sẽ không thể chọn một chỗ gần tác phẩm của Vi Phương Thảo - lại là một góc phố quen nào đó khác - để bị kéo vào cái hình dung rằng mình cũng đang chờ đợi ngao ngán hay sốt ruột vội vã chuyến xe cuộc đời mình[m2] . Cuộc sống trên phố- những người trẻ thấy gì, họ gửi hết vào tác phẩm- trông bình dị như điều ai cũng có thể nhìn được-  nhưng cần lắng lại thêm để cảm được.

Ở góc này của phòng trưng bày, không thể bỏ qua tác phẩm của Phạm Hoàng Tuân “Ranh giới”- một tác phẩm gây chú ý ở các góc nhìn. Chọn hình tượng nghệ thuật khéo léo, sử dụng ngôn ngữ tạo hình thông minh, Tuấn đã khoanh vùng cho tác phẩm của anh một khoảng đẹp trong ấn tượng của nhiều người tới xem triển lãm ngày đầu tiên. Không chỉ có vậy, tính xã hội của tác phẩm của rất cao, phản ánh thực trạng nhức nhối mang tính thời sự về nạn sử dựng rượu bia khi tham gia giao thông. “Càng cấm càng làm- như dù có biển cấm đi ngược chiều thì chúng ta vẫn ngang nhiên cho phép mình phá luật nhiều hơn”- phải chăng đó là những lỗ hổng trong ý thức của người Việt Nam? Như là những ranh giới giữa biết và thực hiện?

Quay lại vấn đề bài trí không gian cho triển lãm này, có thể nói, nhóm Dự án đã đồng thời đảm nhiệm chức vụ curator cho chính mình- lại thêm một điều thành công nữa của các sinh viên và hai giảng viên hướng dẫn.
Bên cạnh đó là video “Xoay” của Triệu Thanh Tú và “Bí mật” của Trần Hoàng Ngân, cũng là những góc nhìn trẻ khác về cuộc sống xung quanh họ. Với những sắp đặt và nhịp suy nghĩ riêng, mà chúng ta cũng sẽ tìm được sự đồng cảm trong nó.

Trong mười bảy sinh viên tham gia dự án, 91 là năm sinh muộn nhất, Phạm Ngọc Hà Ninh, với “Thăm kí ức” đã đóng góp một tiếng nói 9x “đời cổ lỗ sĩ” nhất hiện nay, khi mà tuổi teen từ 92, 93 đang phát triển theo một hướng khác. Thời mà tất cả những gì Ninh có gợi lại ký ức về Hà nội những năm đầu mở cửa, thoát khỏi thời kỳ bao cấp. Đồng cảm với Ninh ở tuổi đời và quá khứ của một học sinh Phổ thông chân ướt chân ráo vào trường Nghệ thuật, cũng có những dòng lưu bút rất ngô nghê, cũng có những lá thư đã nâng niu rồi đốt bỏ, tôi nhìn thấy từng tầng kí ức của mình trong sắp đặt của bạn. Nhìn thấy một thế hệ chúng tôi, đã đi qua và chưa đi qua hết văn hóa và sự ra đời- biến mất của nhiều vật dụng gắn với tuổi niên thiếu và trưởng thành của mình- một kí ức được đổ composite lay động [m3] trong tôi sự xúc động lạ kì. Có thể nói, Ninh đã đóng gói toàn bộ kí ức của mình, từ buồn- vui, được- mất, bạn bè- gia đình, kỉ niệm hay nuối tiếc lại… một tác phẩm mà chúng tôi đùa là “rất Ninh”… Vì nó “rất Ninh” nên nó ý nghĩa với thế hệ chúng tôi, và vẫn đang nuôi lớn chúng tôi đi tiếp.

Cuộc sống mang tính tự sự hơn ở gian phải của triển lãm, sau Ninh, “Mơ” của Lê Thị Thúy là một tác phẩm khác khiến tôi bị tác động mạnh. Trong quá trình làm việc của dự án, được nghe Thúy trình bày phác thảo ý tưởng và kế hoạch thực hiện, tôi vẫn không thể hình dung được điều tác phẩm của chị có thể mang lại cho đến khi tận mắt xem trực tiếp nó. Những giấc mơ trong hình thù màu mè bắt mắt nhưng có lẽ, với những tâm hồn có nhiều vết thương thầm kín và ám ảnh lên tuổi trưởng thành, thì tác phẩm của Thúy có thể khiến họ nghẹt thở hoặc rơi nước mắt khi bước vào bên trong. Là câu chuyện thật của tác giả, có lẽ phải đến tận nơi và nhìn tận mắt, sống trong nó để nâng niu những gì mình đang có trong đời.

Đồng cảm, chắc phải dùng một từ “đồng cảm”, với đa phần những tác phẩm trong triển lãm này. Nghệ sĩ trẻ nói rất ít, chỉ có tôi là cứ đi đọc ra những điều có thể đúng, có thể trúng- có thể không về những gì họ giữ cho câu chuyện của mình. Bùi Minh Hà với “Dù sao thì cũng phải đứng nghiêng” hay “Bữa sáng” của Đỗ Tường Linh, hay “Chơi” của Nguyễn Thị Kim Nga- đều là chúng tôi- những người trẻ với vấn đề cuộc sống không bao giờ cũ.
Quá khứ, hiện tại, tương lai và những trăn trở, những nuối tiếc, những vui buồn đồng hiện trong triển lãm này. Thôi dù sao thì cũng hãy cứ vui, như điều mà “Không gian tuổi thơ” của Trần Văn Phong đã mang lại được cho những người đến tham gia buổi khai mạc ngày mồng 4 tháng 1 vừa qua. Không gian của Phong đúng là một cái sân chơi ngày xưa lũ trẻ con hàng xóm chúng tôi vẫn hay tụ tập nhau lại, là cả góc sân và khoảng trời những đêm Rằm phá cỗ… Chắc cũng chỉ cần có thế, dù đôi mươi, sinh viên chúng tôi- trong buổi khai mạc hộ anh tác phẩm bằng việc ùa vào chơi ô ăn quan, đứa nào cũng thấy mình hẵng còn trẻ.

Việc chỉ có sơ đồ hướng dẫn vị trí sắp xếp tác phẩm và thông tin liên quan đến tác phẩm lại chỉ được đưa ra khi không để thông tin tác phẩm ngay bên cạnh các tác phẩm như vẫn thường thấy ở các triển lãm khác có lẽ sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng đó là sự sơ suất của triển lãm. Nên báo chí đưa tin cũng loạn hết cả lên. Mặt yếu là sự thiếu sót ai cũng thấy và đáng ra phải có để người xem tiện theo dõi, nhưng mặt khác- có lẽ là để cho cái thế giới ấy sống trong cảm nhận riêng của người xem trước đã. Cuối cùng, trước khi mọi người ra về, chúng tôi sẽ gửi lại statement, lúc đó, hãy xem xem, cảm nhận của bạn có khác nhiều không? Cho bạn sống với thế giới của chúng tôi, nếu bạn cũng thở cùng một nhịp, hay phản biện lại nó, triển lãm Đương đại này ắt hẳn đã thành công rồi.

Bên cạnh hội họa giá vẽ, một nhánh khác của Mỹ thuật vẫn đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp tiếng nói không hề nhỏ trong thời kì này. Chỗ đứng của Mỹ thuật Đương đại đã và đang tìm cho mình vị trí sánh ngang với Mỹ thuật trong Bảo tàng như những thời kì trước. Qua quá trình làm việc trong Dự án Sinh viên làm Nghệ thuật, ít nhiều chúng tôi đã nhìn được những mặt mạnh và yếu của nghệ thuật sắp đặt hay video art hiện nay. Làm thế nào để tác phẩm có ý nghĩa, làm thế nào để nó tồn tại? Vật chất hay ý nghĩa tồn tại lâu hơn? Vì không phải tác phẩm video art hay sắp đặt nào cũng có thể mang về, mang bán hay trưng bày mãi mãi. Giá trị nhất thời hay giá trị vĩnh cửu là điều vẫn trăn trở tôi mỗi ngày khi mang những nhánh của nghệ thuật ra phân tích. Cần thiết một hoạt động thường niên và xuyên suốt cho sinh viên Mỹ thuật làm nghệ thuật mới, bên cạnh việc học tập chính thống trên ghế nhà trường[m5] . Vì nghệ thuật nào cũng vậy, cần một cái gốc lý thuyết đủ mạnh để bứt phá khỏi những ranh giới. “Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ. Điều quan trọng là làm thế nào để trở thành một nghệ sĩ khi ta lớn lên”, vì vậy sự định hướng và hỗ trợ của những nhà đào tạo Mỹ thuật trong việc thực hành nghệ thuật của sinh viên đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa 20 năm về sau của Mỹ thuật thời kì đổi mới thoát khỏi tình trạng “bình cũ rượu mới” như đã nói cách đây 4 năm. Dù sao, thì Dự án này vẫn cần được phản hồi và lắng nghe để phát triển rộng rãi hơn, tiếp nối cho những sinh viên có nguyện vọng thực hành nghệ thuật.

 Vi Tường Vi  (SV Khoa LL& LSMT)